So sánh hóa đơn tiền điện theo biểu giá mới tháng 7 năm 2023

Với giá bán lẻ theo đề xuất mới, các hộ sử dụng dưới 700 kWh một tháng sẽ có lợi, còn trên mức này phải trả tiền điện nhiều hơn so với cách tính hiện hành.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về sửa biểu giá bán lẻ điện, với giá sinh hoạt dự kiến còn 5 bậc thay vì 6 như hiện hành. Theo đó, giá điện tính lũy tiến theo bậc thang, với mức thấp nhất (bậc 1) khoảng 1.728 đồng một kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.457 đồng. Giá này chưa gồm thuế VAT.

Anh Hoàn (Hà Đông, Hà Nội) cho biết tháng 7, gia đình tiêu thụ 465 kWh và trả số tiền là 1.222.749 đồng (gồm 8% thuế VAT). Số tiền này được tính theo biểu giá lũy tiến 6 bậc hiện hành. Anh ước tính, nếu chuyển sang phương án 5 bậc theo đề xuất mới, với mức sử dụng điện như trên, số tiền phải trả khoảng 1.193.200 đồng (đã gồm thuế), tức giảm gần 30.000 đồng so với biểu giá lũy tiến 6 bậc.

Gia đình anh Hoàn nằm trong số hơn 97,8% số hộ có mức sử dụng dưới 700 kWh một tháng, theo tính toán của Bộ Công Thương, sẽ có tiền điện hàng tháng không tăng hoặc giảm nếu áp mức tính 5 bậc. Ngược lại, tiền điện của 0,6 triệu hộ dùng từ 701 kWh trở lên (chiếm 2,2% hộ dùng điện cả nước) sẽ tăng để bù cho mức giảm của các hộ dùng điện ít. Hiện, 2,2% số hộ sử dụng hơn 700 kwh một tháng này đang tiêu dùng trên 13% sản lượng điện cả nước.

Theo đó, ví dụ một hộ sử dụng 785 kWh điện một tháng, nếu tính theo phương án 5 bậc, số tiền phải trả là hơn 2,3 triệu đồng. Mức này tăng khoảng 35.000 đồng so với biểu giá 6 bậc hiện hành.

BậcBiểu giá hiện hànhPhương án 5 bậc
Mức sử dụngGiá (*)Mức sử dụngGiá (đ)
10-50 kWh1.7280-100 kWh1.728
251-100 kWh1.786101-200 kWh2.074
3101-200 kWh2.074201-400 kWh2.612
4201-300 kWh2.612401-700 kWh3.111
5301-400 kWh2.919701 kWh trở lên3.457
6401 kWh trở lên3.015

(*) Giá chưa bao gồm thuế VAT

GS Trần Đình Long, Trưởng ban Khoa học công nghệ (Hội Điện lực Việt Nam) nhận xét việc giảm bớt số bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt là phù hợp. Bậc cao nhất (từ 701 kWh trở lên) giá khoảng 3.457 đồng một kWh, cao gấp hai lần bậc đầu tiên (1.728 đồng mỗi kWh), theo ông Long là hợp lý, bởi dùng trên 700 kWh một tháng thường là các hộ có thu nhập ở mức khá, có khả năng chi trả.

“Phương án này đã có sự phân hóa rõ hơn giữa nhóm khách hàng sử dụng điện trung bình và dùng nhiều, với nguyên tắc ‘dùng nhiều phải trả giá cao’ do đây là mặt hàng đặc biệt, không thể dự trữ, cần sử dụng tiết kiệm”, ông Long nói.

Hiện một số quốc gia cũng sử dụng biểu giá điện sinh hoạt lũy tiến, với mức chênh lệch 2-3 lần giữa bậc thang đầu và cuối. Chẳng hạn, tại Thái Lan, giá điện ở bậc thang cuối cao hơn bậc đầu 1,65 lần; Hàn Quốc là 3 lần, Lào là 2,88 hay Nam California (Mỹ) 2,2 lần.

Theo phương án 5 bậc được Bộ Công Thương đưa ra, giá điện bậc đầu (0-100 kWh) được giữ nguyên như hiện hành, 1.728 đồng một kWh. Mức này nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp, chiếm gần 33,5% số hộ dùng điện cả nước.

Tương tự, giá điện bậc 101-200 kWh và 201-400 kWh được giữ nguyên, tương đương giá bậc 3 và 4 hiện nay là 2.074 – 2.612 đồng một kWh. Các bậc cao hơn, 401-700 kWh và từ 701 kWh trở lên, giá điện được thiết kế cao hơn nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết cơ cấu biểu giá sinh hoạt theo 5 bậc được thực hiện trên cơ sở bù trừ doanh thu, tức là khoản thiếu hụt của bậc này sẽ được bù trừ bởi bậc khác, nên không làm thay đổi giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt (mức 1.920,37 đồng một kWh).

Tuy nhiên, do có sự thay đổi về cơ cấu biểu giá nên sẽ có tác động trực tiếp tới các nhóm khách hàng, khi có nhóm sẽ được giảm tiền điện, có nhóm phải chịu tăng ở mức độ khác nhau.

cong-nhan-DLHN-TBA-duong-lang

Công nhân Tổng công ty Điện lực Hà Nội làm việc tại trạm biến áp đường Láng Hạ, tháng 12/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Tại dự thảo lấy ý kiến, khối sản xuất, kinh doanh vẫn được tính theo cấp điện áp, khung giờ (thấp điểm, bình thường, cao điểm) và giá điện một thành phần cho điện năng tiêu thụ. Các chuyên gia cho rằng, cách tính này chưa làm giảm tình trạng bù chéo giữa giá điện sinh hoạt và sản xuất hiện nay.

Thực tế, nguyên tắc phản ánh chi phí cung ứng, ít bù chéo đã được nhiều nước thực hiện, theo cơ cấu giá điện hai thành phần, gồm giá công suất và điện năng tiêu thụ. “Chừng nào vấn đề này vẫn tồn tại, tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao vào mùa nắng nóng vẫn chưa được giải quyết”, một chuyên gia năng lượng nhìn nhận.

Đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết giá điện hai thành phần (công suất và điện năng) sẽ chỉ được tính tới thử nghiệm, áp dụng khi điều kiện kỹ thuật cho phép và phù hợp trong từng giai đoạn phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, giá điện kinh doanh, hành chính sự nghiệp được giữ nguyên và bổ sung giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng trạm, trụ sạc xe điện theo nguyên tắc phản ánh đúng, đủ chi phí sản xuất kinh doanh của ngành điện.

Trong lúc vẫn duy trì biểu giá lũy tiến, GS Trần Đình Long lưu ý thêm, giá điện cần giữ nhịp độ điều chỉnh 6 tháng một lần, thay đổi theo mùa, bởi khi đầu vào thay đổi thì đầu ra cũng phải thích ứng theo, trong khi giá điện hiện chưa tuân thủ dù Quyết định 24/2017 đưa ra quy tắc này.

“Sáu tháng một lần, Nhà nước xem lại biểu giá điện đã hợp lý hay chưa, và cần sửa đổi để theo kịp biến động thị trường, giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện”, ông đề nghị.

Nguồn theo: https://vnexpress.net/hoa-don-tien-dien-ho-gia-dinh-ra-sao-khi-sua-bieu-gia-ban-le-4627260.html

0962114686 0915010777